Đừng ham nhận trợ cấp BHXH một lần
Ngày 20 tháng 04 năm 2024
Điện thoại: (024) 3765 8899

Đừng ham nhận trợ cấp BHXH một lần

Số đông công nhân xem việc nhận trợ cấp một lần là cách để giải quyết khó khăn trước mắt, quên đi lợi ích lâu dài

BHXH Việt Nam cho biết hiện nay, số lượng người lao động (NLĐ) nhận trợ cấp BHXH một lần đang có chiều hướng tăng cao. Năm tháng đầu năm 2018, cả nước có gần 300.000 NLĐ được BHXH Việt Nam giải quyết chế độ trợ cấp một lần. Theo thống kê, những năm gần đây, bình quân mỗi năm, có khoảng 700.000 người làm thủ tục BHXH hưởng chính sách trợ cấp một lần.

Chấp nhận đánh đổi?

Qua khảo sát của Viện Công nhân (CN) Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), đa số NLĐ xin nghỉ việc và nhận trợ cấp BHXH một lần ở độ tuổi từ 35-40, chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp (DN) thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản. Lý giải hiện tượng này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng phần lớn lao động lớn tuổi, sức khỏe giảm sút, năng suất lao động kém nên lo ngại bị chủ sử dụng lao động đào thải nên xin nghỉ việc để nhận trợ cấp BHXH một lần là lựa chọn duy nhất.

Đừng ham nhận trợ cấp BHXH một lần - Ảnh 1.

Lãnh trợ cấp một lần, công nhân sẽ gặp khó khăn khi về già

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lê, giám đốc nhân sự một công ty chuyên gia công giày da xuất khẩu ở tỉnh Bình Dương, cho biết thời gian gần đây, rất nhiều CN gắn bó với doanh nghiệp (DN) từ 15 đến dưới 19 năm liên tục nộp đơn xin nghỉ việc để nhận BHXH một lần. "Công ty không có chủ trương sa thải CN lớn tuổi, do vậy phòng nhân sự thuyết phục họ rút lại quyết định, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai lâu dài nhưng họ vẫn không đổi ý. Nhận một khoản tiền trợ cấp khá lớn nhưng không biết cách sử dụng, chắc chắn tương lai của họ sẽ bấp bênh" - ông Lê lo ngại.

Đề cập lý do xin nghỉ việc, chị Trần Thị Kim Đậm - quê Tiền Giang, CN một DN ở huyện Củ Chi, TP HCM - cho biết chị vào làm việc tại DN từ năm 1998, đến nay đã 20 năm. Ở tuổi 40, chị cảm thấy không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm CN. Chị Đậm nói: "Tôi muốn nghỉ việc sớm để ngoài bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trợ cấp thôi việc thì còn được lãnh BHXH một lần. Gom góp tất cả các khoản trợ cấp cũng có một số vốn để làm ăn". Chúng tôi hỏi có lo lắng cho tương lai khi về già không có lương hưu, chị Đậm cười trừ: "Tới đâu thì tới, nghĩ chi xa xôi". Cùng lý do ấy, dù đã làm việc gần 19 năm nhưng CN Hồ Thị Tốt (quê Long An) đang làm việc ở một DN tại Bình Dương, cũng quyết định nghỉ việc để hưởng trợ cấp BHXH một lần "Do tuổi cao nên tôi không theo kịp CN trẻ, năng suất rất thấp, sớm muộn gì cũng mất việc. Nộp đơn nghỉ, tôi có được một khoản tiền kha khá để về quê làm ăn?" - chị Tốt giải thích.

Bất an về tương lai là tâm lý chung của CN lớn tuổi, do vậy xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp BHXH một lần có chăng chỉ là giải pháp tình thế. Mất việc khi tuổi đã cao, chắc chắn cơ hội quay lại thị trường lao động của họ rất thấp.

Tương lai mờ mịt

Theo Luật BHXH 2014, ngoài quy định về chế độ hưởng lương hưu, NLĐ có thể được hưởng chế độ BHXH một lần. Tuy nhiên, nếu không cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhận BHXH một lần hay hưởng lương hưu, NLĐ sẽ bị thiệt thòi.

Theo các chuyên gia lao động, tự thân NLĐ cần lưu ý suy nghĩ thấu đáo khi quyết định nhận BHXH một lần, bởi vì nếu nhận BHXH một lần thì cũng sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì bảo đảm cho cuộc sống lúc tuổi già, sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo luật sư Đặng Anh Đức (Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự - Đoàn Luật sư TP Hà Nội), NLĐ cần hiểu rằng khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ nhà nước. "Trong thời gian bảo lưu nếu chẳng may qua đời thì còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi chết (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần. Với những lợi ích trên, NLĐ phải cân nhắc kỹ để bảo đảm cho tương lai" - luật sư Đức tư vấn.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, phân tích: "Nếu nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ thiệt thòi rất lớn. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương, trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, NLĐ bị thiệt mất 0,64 tháng lương. 

Lợi trước mắt, thiệt lâu dài

Một trong những lý do khiến NLĐ muốn nhận trợ cấp BHXH một lần là điều kiện hưởng quá đơn giản, cụ thể chỉ cần nghỉ việc một năm không tiếp tục tham gia là được hưởng. Chưa hết, điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khá dài (20 năm) đã khiến một bộ phận NLĐ nản lòng. "Để hạn chế tình trạng này, các cấp Công đoàn phải tập trung tuyên truyền, giải thích cho NLĐ hiểu tác hại của việc nhận trợ cấp BHXH một lần, đừng vì lợi ích trước mắt mà hứng chịu thiệt thòi về lâu dài. Bên cạnh đó, Luật BHXH cũng cần nghiên cứu rút ngắn điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu được hưởng lương hưu, tăng mức hỗ trợ của nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện… để NLĐ thấy được lợi ích thiết thực khi tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu" - ông Lê Đình Quảng góp ý.

Bài và ảnh: ĐÌNH VIÊN/NLD