Nâng độ tuổi nghỉ hưu: Nên cân nhắc lý – tình
Từ 1-1-2021 cứ mỗi năm độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đây là một trong hai phương án về quy định độ tuổi nghỉ hưu được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi và sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5-2019.
Cũng theo Bộ LĐ-TB-XH, khi lấy ý kiến tại các buổi tọa đàm, hội thảo, đa phần không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là với người lao động (NLĐ) chân tay, phổ thông, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm mất cơ hội việc làm cho người trẻ...
Vì sao cần tăng tuổi nghỉ hưu?
Theo lý giải của Bộ LĐ-TB-XH, nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì Quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn.
Lý giải này căn cứ theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), theo đó từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi trong năm, bắt đầu trích từ phần quỹ kết dư để chi trả; từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết dẫn đến Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp. Do đó, muốn bảo đảm bền vững tài chính của Quỹ, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, thì có hai cách: nâng mức đóng của người lao động và doanh nghiệp (DN) hoặc giảm mức hưởng lương hưu của NLĐ.
Nâng mức đóng là khó vì tăng gánh nặng tài chính của NLĐ và làm giảm sức cạnh tranh của DN. Giảm mức hưởng cũng dẫn đến khó đảm bảo cuộc sống của người hưởng lương hưu. Vì vậy, phương án được tính đến là đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu để cân bằng giữa thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng.Mặt khác, mặc dù hiện nay quỹ BHXH vẫn trong vòng an toàn, tuy nhiên, theo Bộ Tài chính nhận định thì xét về lâu dài, tiềm ẩn một số nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH, đó là do tình trạng chậm đóng, nợ tiền đóng BHXH phổ biến tại các địa phương và có xu hướng gia tăng. Vấn đề này, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Thêm vào đó, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng gia tăng. Nam giới ở tuổi 60 trung bình còn sống thêm khoảng 20 năm; nữ giới ở tuổi 55 trung bình còn sống thêm khoảng 24,5 năm cũng có nghĩa là thời gian hưởng lương hưu dài hơn trước.
Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2017, trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, quy định về độ tuổi nghỉ hưu 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ đã được áp dụng từ năm 1961, tính đến nay đã hơn 50 năm nhưng vẫn chưa có bất cứ điều chỉnh nào. Trong khi đó, các nước trên thế giới đều đang hướng tới tăng dần độ tuổi nghỉ hưu, nhiều nước quy định độ tuổi này từ 65-67 tuổi. "Chúng ta mong muốn thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, đây cũng là nội dung trong công ước CEDAW về không phân biệt đối xử", ông Diệp nhấn mạnh. Để tránh những cú sốc trong thị trường lao động, ông Doãn Mậu Diệp cho biết Bộ vẫn còn phương án khác là tăng dần độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng.
Câu chuyện nâng dần tuổi nghỉ hưu là không tránh khỏi đối với mọi quốc gia như ý kiến của ông Diệp đã xảy đến với nước Anh. Giữa năm 2017, Chính phủ Anh đã đẩy nhanh kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu, do tuổi thọ tăng tiếp tục gây áp lực lên ngân khố quốc gia. Việc chi trả lương hưu lâu hơn đang đặt ra thách thức cho Chính phủ, vì thế Chính phủ Anh quyết định tuổi nghỉ hưu tăng lên từ 67 lên 68, được bắt đầu thực hiện từ năm 2037, thay vì năm 2044 như kế hoạch ban đầu.
Đồng thuận hay không đồng thuận?
Câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận khi tại cuộc họp tổng kết ngành LĐ-TB-XH vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH cần tính toán tuổi nghỉ hưu cho hợp lý để đưa vào Bộ luật Lao động sửa đổi tới đây. Nhưng ý kiến đồng thuận và không đồng thuận trong vấn đề này hiện vẫn ngang ngửa nhau về mặt tỷ lệ.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, sở dĩ, NLĐ còn phản ứng, còn băn khoăn với kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu là vì còn quá nhiều điều chưa minh bạch, công khai như: việc sử dụng Quỹ hưu trí thế nào, cân đối Quỹ ra sao, tăng tuổi nghỉ hưu có phải là để bù đắp cho phần thiếu hụt, đảm bảo cho an toàn Quỹ hay không; với công nghiệp 4.0, sẽ giảm bớt các lao động tay chân thì liệu việc kéo dài tuổi nghỉ hưu với các đối tượng này có khả thi; thị trường lao động hiện có nguồn nhân lực khá dồi dào, thậm chí dư thừa, nên phải tính toán khi tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có bao nhiêu người mất cơ hội có việc làm và cách nào để thu hút được nguồn lực lao động trẻ sáng tạo, có trình độ...
Bàn về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu có phải là để bù đắp cho phần thiếu hụt, đảm bảo cho an toàn Quỹ hay không, ông Lưu Bình Nhưỡng (đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) đã trả lời báo chí cho rằng, việc xác định tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam phải đảm bảo các vấn đề thực tiễn, lấy lý do vì lo vỡ quỹ BHXH là thiếu cơ sở, không chắc chắn. "Vấn đề vỡ Quỹ hay không, không nằm ở chỗ tăng tuổi nghỉ hưu mà nằm ở chính chế độ chính sách hưu trí hiện hành. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu chỉ giải quyết được 10% vấn đề ảnh hưởng đến Quỹ, còn lại 90% phụ thuộc vào chính sách" - ông Nhưỡng phân tích.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng chế độ hưu trí hiện nay của ta đang quá lạc hậu, vẫn trong tình trạng bao cấp "chúng ta tránh được bao cấp của Nhà nước thì lại rơi vào tình trạng người sau bao cấp người trước để hưởng lương hưu. Trong trường hợp vỡ quỹ BHXH thì việc cải cách chế định hưu trí hiện nay mới thực sự quan trọng".
Song ông Nhưỡng cũng cho rằng, việc nâng độ tuổi nghỉ hưu là rất cần thiết trong bối cảnh tuổi thọ bình quân của người Việt đang tăng cao, tầm vóc, sức khỏe của người Việt đang được cải thiện. "Chúng ta quy định độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 tuổi, nam 60 tuổi. Tuy nhiên, ở độ tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam vẫn còn khá nhiều sức khỏe và có thể cống hiến, nhiều người vẫn còn có thể làm việc. Các nhà khoa học, chính trị gia có tầm về hưu khi còn khả năng làm việc tốt và thế hệ trẻ lại chưa thể thay thế là sự thiệt thòi lớn của đất nước. Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, với nhóm người thuộc khu vực sản xuất trực tiếp, lao động vất vả, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần tạo cho họ thời gian linh hoạt khi nâng tuổi nghỉ hưu.
* Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp: "Bộ cũng đã tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu giữa các nhóm ngành sao cho mức chênh lệch không quá 5 năm. Theo đó, Bộ sẽ công bố những ngành nghề nặng nhọc, độc hại mà đến độ tuổi nào đó người lao động không còn phù hợp làm việc thì tuổi nghỉ hưu có thể sớm hơn. Những ngành nghề đòi hỏi lao động chất lượng cao, những chuyên gia giỏi thì có thể nâng tuổi nghỉ hưu nhiều hơn. Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành trong việc đánh giá lao động chất lượng cao".
* Ông Nuno Meira Simoes Cunha, chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO): "Mỗi quốc gia có các biện pháp riêng của mình và nâng cao tuổi nghỉ hưu là một trong những biện pháp phổ biến để cân đối quỹ BHXH. Nói chung, tăng tuổi nghỉ hưu không phải là một giải pháp dễ thực hiện. Nhưng giải pháp này vẫn dễ hơn việc giảm các mức trợ cấp, bởi vì mọi người không nhất thiết nhìn thấy thu nhập của họ giảm đáng kể và những gì họ biết là họ phải làm việc thêm một hoặc hai năm nữa. Và nếu bạn được thông báo trước 10 năm thì bạn sẽ luôn sẵn sàng cho việc đó. Tôi nghĩ rằng đó là biện pháp tốt hơn.
Hầu hết các quốc gia đều có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu trong nhiều năm, và phải thống nhất về nhóm tuổi được áp dụng, ví dụ chỉ áp dụng cho những người sinh từ một năm nhất định, hoặc áp dụng với những người mới tham gia lực lượng lao động. Bạn đừng đợi đến khi họ sắp về hưu mới thông báo rằng họ cần làm thêm một năm nữa...".
* Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam: "Việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình xây dựng hoàn thiện pháp luật. Từ năm 2007, trong khi bàn về Luật Bình đẳng giới, Luật Lao động sửa đổi năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tất cả các lần đó, tuổi nghỉ hưu của NLĐ đều được đưa ra bàn thảo nhưng đến phút cuối đều không được Quốc hội nhất trí. Điều đó cho thấy đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc một cách thận trọng".