Trọng tài thương mại: ‘cứu tinh’ cho tranh chấp về bảo hiểm
Ngày 12 tháng 10 năm 2024
Điện thoại: (024) 3765 8899

Trọng tài thương mại: ‘cứu tinh’ cho tranh chấp về bảo hiểm

Trọng tài thương mại là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp bảo hiểm, giúp doanh nghiệp (DN) không mất thời gian, cơ hội kinh doanh, giữ được chữ tín…

Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh tại hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải – Phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm”, tổ chức ngày 17/7.

Thị trường bảo hiểm: Nhiều rủi ro, tranh chấp

Theo báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng tài sản ước tính của các DN bảo hiểm đạt 336.997 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng 27,33% (so với cùng kỳ năm 2017).

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh các cơ hội, DN kinh doanh bảo hiểm và người mua bảo hiểm ngày càng phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Bà Phạm Thanh Hải – Trưởng ban bán chuyên trách Ban Pháp chế phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, kinh doanh bảo hiểm là ngành đặc thù, rủi ro khá cao. Phí bảo hiểm không lớn nhưng số tiền bồi thường lại rất lớn với các điều khoản phức tạp.

“Hoạt động bảo hiểm không tránh khỏi những tranh chấp, điển hình như liên quan các vấn đề đóng phí; chưa ký hợp đồng nhưng tổn thất xảy ra cũng dẫn tới tranh chấp; khi tổn thất xảy ra tranh chấp về nguyên nhân và mức độ tổn thất; giá trị bảo hiểm,…” – bà Hải nhấn mạnh.

Bà Trương Thanh Thủy – Trọng tài viên của VIAC cho biết thêm, các vấn đề pháp lý thường xảy ra tranh cãi trong các vụ tranh chấp bảo hiểm phổ biến như: hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; giải thích hợp đồng bảo hiểm; giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất; xác định sự kiện bảo hiểm và trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm…

Còn theo ông Bùi Gia Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các vụ tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp. Trong khi đó, giải quyết được những tranh chấp này thì mới có thể hoàn thành thủ tục bồi thường bảo hiểm và càng thực hiện nhanh chóng thì càng đạt được mục tiêu của bảo hiểm, đồng thời tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm bảo hiểm.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao có được giải pháp hữu hiệu giúp DN giảm thiểu rủi ro cho cả DN và khách hàng cũng như lựa chọn được phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả được nhiều DN quan tâm. “Những tranh chấp phức tạp đang phát sinh trong thị trường bảo hiểm đòi hỏi phải có những cơ chế giải quyết linh hoạt, phù hợp và hiệu quả, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DN khi tham gia các quan hệ hợp đồng bảo hiểm” – ông Anh nói.

Phương thức hòa giải: Giảm thời gian, tiết kiệm chi phí

Bà Hải cho hay, hiện nay các văn phòng luật sư, trung tâm trọng tài đang tiếp nhận rất nhiều vụ tranh chấp bảo hiểm. Thực tế cho thấy, đối với giải quyết tranh chấp bảo hiểm liên quan tới toà án đa số phải kéo dài từ 3 – 5 năm, có vụ việc, thời gian xử lý kéo dài đến 10 năm chưa kết thúc.

Do đó, bàn về giải pháp giải quyết tranh chấp phức tạp đang phát sinh trong thị trường bảo hiểm, các chuyên gia cho rằng, phương thức giải quyết bằng hình thức trọng tài là phương án cần xem xét lựa chọn, bởi đa phần được giải quyết nhanh chóng, đỡ tốn kém thời gian và chi phí nhất.

“Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp định hướng cho DN bảo hiểm sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án” – bà Hải nhận định.

Về vấn đề này, ông Dương cho biết, với tính ưu việt về thời gian giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục cũng như việc trao quyền cho các bên được lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực bảo hiểm để giúp các bên phân xử, trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp bảo hiểm, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho DN; không mất thời gian, không mất cơ hội kinh doanh với khách hàng và giữ được chữ tín…

Tuy nhiên, theo bà Hải, vẫn có một số khó khăn, trở ngại trong giải quyết tranh chấp bảo hiểm qua trung tâm trọng tài như trọng tài thiếu các thiết chế hỗ trợ đi kèm và không có đầy đủ các quyền năng như tòa án trong quá trình xét xử, trong một số thủ tục liên quan.

“Trọng tài không thể tự mình mà cần phải thông qua tòa án để thực hiện. Ví dụ trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo chứng cớ, trọng tài không thể ra quyết định mang tính chất bắt buộc về điều đó mà phải thông qua tòa án thi hành…” – bà Hải phân tích.

Bên cạnh đó, sự thành công của quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chủ yếu phụ thuộc vào thái độ, thiện chí của các bên tranh chấp. Thực tiễn các DN bảo hiểm hay khách hàng vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc lường trước các tranh chấp có thể phát sinh nên vẫn mơ hồ về các hình thức trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài…

Thêm vào đó, đa số DN và cá nhân chưa hiểu về trọng tài nên lựa chọn toà án, dẫn đến quá trình thương lượng rất khó khăn. Cùng với đó, có những tranh chấp khá phức tạp như liên quan người thụ hưởng, khi làm hợp đồng chỉ đưa tên người thụ hưởng nhưng bản thân người thụ hưởng không trực tiếp ký vào hợp đồng, dẫn tới vụ việc kéo dài và khó giải quyết./.

Trong năm 2018, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu đạt doanh thu 129.246 tỷ đồng, tăng trưởng 22,38%. Trước đó, năm 2017, tổng doanh thu toàn ngành bảo hiểm ước đạt 105.611 tỷ đồng.

Theo (TBTCO)