Chiến lược cạnh tranh bảo hiểm: 100% đầu tư vào công nghệ
Ngày 19 tháng 09 năm 2024
Điện thoại: (024) 3765 8899

Chiến lược cạnh tranh bảo hiểm: 100% đầu tư vào công nghệ

Trong chiến lược phát triển năm 2018 và những năm tiếp theo, đầu tư phát triển công nghệ là mục tiêu sống còn của khối bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ.

Theo một khảo sát của Vietnam Report, đổi mới, nghiên cứu áp dụng công nghệ mới trong hệ thống quản lý, phục vụ khách hàng là ưu tiên hàng đầu với 100% doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát. Sau đó là phát triển sản phẩm và đa dạng hóa các kênh bán bảo hiểm.

Khảo sát này cũng cho thấy, các doanh nghiệp bảo hiểm ý thức được việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số như một bàn đạp cho tăng trưởng. Cụ thể, 82,4% doanh nghiệp bảo hiểm cho biết đang xây dựng chiến lược phát triển Internet di động, 64,7% doanh nghiệp xây dựng chiến lược trên hai yếu tố then chốt của cách mạng công nghệ 4.0 là Vạn vật kết nối (IoT – Internet of things) và Dữ liệu lớn (Big Data).

Bên cạnh đó, việc bắt tay với các công ty Fintech (các tổ chức áp dụng công nghệ vào tất cả các hoạt động tài chính nhằm mang tới cho khách hàng sản phẩm tài chính dựa trên công nghệ) cũng là một những yếu tố mới của thị trường bảo hiểm.

78,9% doanh nghiệp bảo hiểm phản hồi rằng đang có kế hoạch mở rộng hợp tác với các công ty Fintech, với dự định liên kết phát triển kênh phân phối, hợp tác về dịch vụ bảo hiểm trên Internet và trong lĩnh vực thanh toán.

So với khối phi nhân thọ, khối nhân thọ hiện nay gần như đã hoàn tất quy trình khép kín từ bán sản phẩm, thẩm định hợp đồng, cấp đơn, theo dõi quá trình bồi thường… Thậm chí, một số dịch vụ chăm sóc khách hàng đã được công nghệ hóa với sự đầu tư dịch vụ qua các trang web, mạng xã hội hay chatbox…

Những gương mặt nổi bật trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ để kết nối và hỗ trợ khách hàng là các hãng bảo hiểm như Sun Life Việt Nam, Prudential, AIA Việt Nam, Manulife Việt Nam, Chubb Life hay BIDV Metlife…

Nhờ lợi thế về vốn, kinh nghiệm và thế mạnh từ tập đoàn mẹ, đa số các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khi bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam đã có những chiến lược rất rõ ràng và đồng bộ trong việc đầu tư vào công nghệ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp khối này cũng dễ dàng bắt nhịp với sự đổi mới của thị trường trong thời kỳ bùng nổ công nghệ.

Trong khi đó, do còn nhiều hạn chế về vốn và kinh nghiệm nên việc đầu tư của khối phi nhân thọ chưa được đồng bộ như khối nhân thọ. Tuy nhiên, trong những năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như PVI, Bảo Việt, PTI, MIC, BIC, PJICO… đã bắt đầu ý thức về việc đầu tư vào công nghệ và áp dụng quản lý bồi thường qua các thiết bị công nghệ số.

Chẳng hạn, mới đây, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã chính thức vận hành thành công phần mềm lõi quản lý nghiệp vụ bảo hiểm PREMIA. Với sự kiện này, PJICO đã trở thành một trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đầu tiên triển khai thành công phần mềm lõi này.

Trong khi đó, một hãng bảo hiểm khác là PTI cũng đẩy nhanh chiến lược công nghệ hóa kể từ khi hợp tác chiến lược với hãng bảo hiểm Dongbu Hàn Quốc. Là một trong 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất, đứng thứ nhất về bảo hiểm trực tuyến, PTI đang tiến hành các dự định đầu tư áp dụng công nghệ blockchain trong quy trình cấp đơn bảo hiểm tới khách hàng, đồng thời lưu trữ và truy xuất lịch sử của đối tượng bảo hiểm.

Trước đó, hãng bảo hiểm này cũng cùng đối tác đưa ra thị trường ứng dụng gọi xe đầu tiên tích hợp bảo hiểm trên mọi chuyến đi cho khách hàng là FastGo, mà PTI là nhà bảo hiểm độc quyền.

Theo Gia Linh (ĐTCK)