Nghỉ hưu linh hoạt trong khung tuổi: Ai thích, ai không?
Tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi, bắt đầu thực thi từ năm 2021 sau khi hoàn tất lộ trình trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ 7 và 8 (năm 2019).
Liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ, đã và đang có đề xuất tuổi nghỉ hưu nên linh hoạt trong khung tuổi nữ từ 55 - 60 và nam từ 55 – 62. "Nghỉ hưu trong khung tuổi" – khái niệm này có vẻ như có lợi cho người lao động, nhất là với những nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại, nhưng ở góc độ doanh nghiệp thì liệu có khả thi?
Nên quy định tuổi hưu thành 3 nhóm?
Để phục vụ cho việc đó đề xuất ý kiến đóng góp sửa đổi Bộ luật Lao động (BLLĐ), nhóm nghiên cứu của Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành khảo sát với người lao động ở 12 tỉnh, thành phố trên 3 miền Bắc, Trung, Nam lấy ý kiến về tuổi hưu đối với lao động nữ.
Kết quả khảo sát của Viện cho thấy, với câu hỏi "Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ (LĐN) ở ngành nghề anh (chị) đang làm bao nhiêu thì phù hợp", đa số ý kiến lao động nữ ở khối lao động khu vực sản xuất kinh doanh muốn về nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi hưu quy định: 24% số người được hỏi mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi 45; 42,6% người được hỏi muốn về hưu ở tuổi 50; gần 30% muốn về hưu ở tuổi 55.
Ví dụ như trong ngành chế biến thủy sản với hơn 80% lao động là nữ, làm việc trong điều kiện vất vả khi phải đứng 12 tiếng/ngày, môi trường ẩm ướt, lạnh, dẫn đến bệnh viêm khớp, phù nề chân tay... nên chị em muốn nghỉ hưu ở tuổi 45. Khái quát lại thì 73,2% LĐN ở khu vực sản xuất kinh doanh cho rằng nên nghỉ hưu ở tuổi 50 tuổi; chỉ 24,7% số lao động cho rằng nên là 55 tuổi và 2,1% đề nghị về hưu ở độ tuổi 60.
Trong khi đó, phần đông lao động nữ khu vực hành chính sự nghiệp vẫn muốn về hưu ở tuổi 55. Đáng chú ý là, có 54% ý kiến nhất trí 60 tuổi là độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.
Không nên phân biệt tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ (ảnh minh họa)
Từ kết quả điều tra, khảo sát trên, Viện Công nhân - Công đoàn đã đưa ra đề xuất với TLĐLĐ Việt Nam: ở khối sản xuất kinh doanh, nên quy định tuổi hưu thành 3 nhóm. Thứ nhất, tuổi hưu là 55 như đối với LĐN làm việc trong môi trường và điều kiện làm việc bình thường.
Thứ hai, tuổi hưu từ 50 - 55 cho LĐN có đủ 15 năm làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ- TB-XH và Bộ Y tế ban hành).
Cuối cùng, tuổi hưu 47 - 50 đối với LĐN có 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại do Bộ LĐ- TB&XH và Bộ Y tế ban hành).Còn tuổi hưu cho LĐN ở khối hành chính sự nghiệp, theo đề xuất của Viện Công nhân - Công đoàn, nên nâng lên mức 58 tuổi (trừ một số ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và đặc thù).
Lựa chọn quãng tuổi nghỉ hưu: không đơn giản
Như vậy, qua đề xuất Viện Công nhân - Công đoàn có thể thấy tuổi nghỉ hưu có dao động trong khung tuổi linh hoạt để người lao động có thể chủ động căn cứ tình trạng sức khỏe của mình đưa ra quyết định nghỉ hưu hay tiếp tục làm việc.
Và vấn đề "khung tuổi linh hoạt để người lao động (NLĐ) nghỉ hưu" một lần nữa đã được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm chính sách "8 tiếng công bằng" trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới trong BLLĐ (sửa đổi) mới đây do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức.
Từ góc độ doanh nghiệp (DN), bà Đỗ Thị Thúy Hương - thành viên Hội đồng quản trị Công ty Viettronics, Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội DNđiện tử cho rằng, thực tế từ doanh nghiệp cho thấy, nhóm đối tượng NLĐ chân tay đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu và tuổi nghỉ hưu nên như nhau. Do đó, đề xuất tuổi nghỉ hưu nên linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu từ độ tuổi từ 55 - 60 và từ 55 - 62. Nếu lao động nặng nhọc thì NLĐ có thể lựa chọn nghỉ hưu sớm. "Việc đưa khung về độ tuổi nghỉ hưu không gây khó khăn với DN. Lý do là việc điều chỉnh trong khung thời gian nghỉ hưu (nữ từ 55 đến 60 tuổi và nam từ 60 đến 62 tuổi) căn cứ trên hợp đồng. Chủ sử dụng lao động và NLĐ có thể xác định trong hợp đồng tuổi nghỉ hưu dựa trên nhu cầu, sức khỏe", theo bà Hương.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, TLĐLĐVN cũng nêu quan điểm rằng việc nghỉ hưu nên phân chia ngành nghề và linh hoạt theo khung độ tuổi để người lao động lựa chọn.
Việc nghỉ hưu theo khung độ tuổi như vậy sẽ phát huy sự thỏa thuận, đàm phán của người lao động. Do đó, đây là một ý tưởng hay mà các bên nên góp ý với Ban soạn thảo BLLĐ để có phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với người lao động.
Nhìn nhận từ góc độ pháp luật lao động, TS. Đỗ Ngân Bình - Đại học Luật Hà Nội, thành viên nhóm cố vấn sửa đổi BLLĐ đặt vấn đề: "Khi đặt điều luật trên trong tổng thể luật pháp thì việc để người lao động được lựa chọn quãng thời gian tuổi nghỉ hưu sẽ không đơn giản.
Nếu văn bản luật để NLĐ có quyền lựa chọn tuổi nghỉ hưu trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ từ 55-60 tuổi), khi đó, DN sẽ bị treo "lơ lửng" trong khoảng thời gian đó và không biết NLĐ sẽ nghỉ khi nào để chủ động tìm người thay thế.
"Nếu trong luật có ghi rõ "Người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng khi người lao động tới độ tuổi nghỉ hưu" thì rõ ràng không thể thống nhất ngay từ đầu trong hợp đồng được, trong trường hợp họ được lựa chọn một khoảng tuổi nghỉ hưu, như thế là trái với luật rồi. Vì vậy, vấn đề này cần được tính toán và cân nhắc trong tổng thể chính sách và pháp luật về lao động" – TS. Đỗ Ngân Bình phân tích.
Theo TS. Đỗ Ngân Bình, do đó, ban soạn thảo BLLĐ đang đưa ra phương án phải xác định cụ thể con số tuổi nghỉ hưu. Theo đó, với LĐN tuổi nghỉ hưu tăng từ 55 lên 60 tuổi và nam tăng từ 60 lên 62 tuổi.
Đây là phương án dựa trên thực tế BLLĐ hiện hành quy định đến tuổi nghỉ hưu (nữ là 55 và nam là 60). Quy định cố định độ tuổi như vậy, DN và NLĐ có cơ sở căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động và chuyển sang dạng hợp đồng khác, vừa đảm bảo quyền nghỉ hưu của NLĐ, vừa đảm bảo DN không "mất"NLĐ nếu như họ vẫn có khả năng làm việc.
Không nên phân biệt tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ
Ở một khía cạnh khác, Việt Nam hiện nay là một trong số ít quốc gia còn có sự chênh lệch trong độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ. Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và BLLĐ đều khẳng định mục tiêu không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, nhưng BLLĐ hiện hành vẫn tồn tại một số quy định vô hình trung có tính phân biệt đối xử trên cơ sở giới.
Bày tỏ quan điểm về tuổi nghỉ hưu của người lao động, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng: "Về mặt giới tính, tôi cho rằng không nên phân biệt giữa lao động nam và nữ, mà tôi cho rằng độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ nên bằng nhau".
Đứng từ góc độ đại diện cho NLĐ, bà Phạm Thu Lan đưa ra quan điểm: "Pháp luật cũng nên xem xét lại nhu cầu nghỉ hưu sớm của lao động nam. Quan điểm về bình đẳng của người lao động thật sự quan trọng. Họ cần được trao quyền, họ cần có diễn đàn để nói, và vai trò của truyền thông cũng rất quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới".