Nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh lương hưu
Theo phản ánh của cử tri, hiện nay chế độ lương hưu có nhiều bất cập, do việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội khác nhau từng giai đoạn, cộng với sự trượt giá của đồng tiền, càng làm khoảng cách này chênh lệch hơn
Bộ LĐ-TB-XH đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đề xuất phương án điều chỉnh lương hưu phù hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Lương hưu phụ thuộc thời điểm đóng BHXH
Theo quy định của Luật BHXH, từ 1-1-2018, bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỉ lệ phần trăm để hưởng lương hưu tối đa. Cụ thể, từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, lao động nữ (LĐN) được tính thêm 2%.
Như vậy, LĐN đủ 55 tuổi nghỉ hưu, thay vì chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75% như trước, thì từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%.
Chính sách lương hưu đang tồn tại nhiều bất cập
Đối với lao động nam, nghỉ hưu năm 2018 để được hưởng mức 45% phải đóng đủ 16 năm. Nghĩa là, lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỉ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018, chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỉ lệ tối đa 75%). Việc tính tuổi hưu như trên căn cứ vào quy định hiện hành của luật lao động động: nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55.
Theo phản ánh của cử tri, hiện nay chế độ lương hưu có nhiều bất cập, do việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội khác nhau từng giai đoạn, cộng với sự trượt giá của đồng tiền, càng làm khoảng cách này chênh lệch hơn, gây ra sự so bì và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Cử tri đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có hướng giải quyết phù hợp.
Điều chỉnh bất cập trong chính sách BHXH
Bộ LĐ-TB-XH cho biết một trong những mục tiêu đặt ra khi sửa đổi Luật BHXH năm 2006 là cần có những điều chỉnh về chính sách để bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn.
Việc tăng tỉ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được điều chỉnh trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014 theo quy định của Luật BHXH năm 2006 và khó có thể tăng thêm. Do vậy, để bảo đảm khả năng cân đối của quỹ BHXH cần xem xét điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu cho phù hợp với nguyên tắc đóng – hưởng.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa từ 75% xuống là khó có thể thực hiện. Vì vậy, Luật BHXH năm 2014 được Quốc hội thông qua theo hướng vẫn duy trì tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, nhưng cần kéo dài thời gian đóng góp để đạt được tỉ lệ này thêm 5 năm đối với cả nam và nữ.
Theo ông Phạm Trường Giang, chính sách cào bằng trong điều chỉnh tăng lương hưu đang là một trong những bất cập hạn chế của BHXH hiện nay. Hiện nay Việt Nam đang có khoảng 11,2 triệu người hưởng BHXH hàng tháng. Đến năm 2030, dự kiến có thêm 5,4 triệu người hưởng lương từ quỹ. Đến năm 2050, sẽ có thêm 10 triệu người nữa. Độ tuổi nghỉ hưu hiện nay là 57 tuổi nhưng thực tế là 54 tuổi. Trong khi tuổi thọ trung bình khoảng 78 tuổi. Do đó, thời gian hưởng khoảng 25 năm, trong khi thời gian đóng chỉ khoảng 28 năm.
Sự bất hợp lý trong việc đóng và hưởng, cộng với số người hưởng lương hưu ngày càng tăng tạo ra nhiều nguy cơ cho quỹ BHXH. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước tồn tại thực tế người đóng BHXH ít lại được hưởng nhiều lương hưu.
Đánh giá về chính sách BHXH, các chuyên gia cho rằng, chính sách này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Diện bao phủ BHXH còn thấp do mức độ tuân thủ chính sách và quy định về BHXH bắt buộc còn yếu trong khu vực chính thức và tỷ lệ tham gia thấp trong khu vực phi chính thức. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn cuộc sống.