Thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm
Ngày 19 tháng 04 năm 2024
Điện thoại: (024) 3765 8899

Thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm

Theo báo cáo tình hình tài chính – kinh tế hai tháng đầu năm 2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng đang thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn so với các năm từ 2016 trở về trước.

Ðáng lưu ý là cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục giảm khi tín dụng trung dài hạn chiếm 53% tổng tín dụng (cùng kỳ năm 2017 chiếm 55,2%).

Trong số các bộ phận của thị trường vốn, thị trường tín dụng phát triển rất mạnh mẽ và sôi động, được đánh giá là kênh huy động vốn hiệu quả nhất, cả về chiều rộng và chiều sâu, với sự tham gia chủ yếu của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. Song, để bảo đảm hai yêu cầu cơ bản là huy động hiệu quả nhất nguồn vốn trong nước và ngoài nước, đồng thời phân bổ một cách hiệu quả các nguồn vốn cho hoạt động đầu tư sản xuất, buộc phải phát triển nguồn cung vốn trung và dài hạn.

Vì vậy, các bộ phận của thị trường vốn ngày càng được đa dạng hóa, hiện đại hóa về mô hình hoạt động nhằm nâng cao chất lượng của đồng vốn. Cho tới nay, thị trường vốn tại Việt Nam đã phát triển đầy đủ các loại hình như: thị trường tín dụng, thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, nhất là thị trường bảo hiểm.

Với tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 17%/năm trong giai đoạn 2011 – 2015, theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, khoảng 80% số công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của nhà nước đã được các doanh nghiệp bảo hiểm bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước.

Việc này góp phần triển khai thành công chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Thị trường bảo hiểm đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn, ổn định cho nền kinh tế, góp phần củng cố cân đối lớn của nền kinh tế về đầu tư và tiết kiệm. Tuy nhiên, so với tiềm năng và tiềm lực, thị trường bảo hiểm vẫn còn một số điểm cần tiếp tục hoàn thiện để có thể phát huy cao nhất hiệu quả.

Mặc dù tăng trưởng cao, ổn định nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng, khi tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). Hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với pháp luật liên quan như Luật Ðầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Phòng cháy, chữa cháy…

Kế hoạch của Bộ Tài chính đến năm 2020 sẽ tăng tổng nguồn vốn huy động từ thị trường bảo hiểm gấp 3,5 lần năm 2010. Chính vì lẽ đó, cần có thêm nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường tiềm năng này, qua đó tăng tính “mở” cho doanh nghiệp huy động vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn trên thị trường tài chính.

(Theo Báo Nhân Dân)