Trật tự mới trong bức tranh thị phần bảo hiểm xe cơ giới
Ngày 12 tháng 10 năm 2024
Điện thoại: (024) 3765 8899

Trật tự mới trong bức tranh thị phần bảo hiểm xe cơ giới

Theo số liệu chính thức của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết quý I/2018, hơn 50% thị phần bảo hiểm xe cơ giới trên thị trường đang nằm trong tay 3 “ông lớn” là Bảo Việt (hơn 25%), PTI (hơn 13%), và PVI (hơn 12%).

Hơn 35% thị phần tiếp theo (mỗi doanh nghiệp nắm từ 4 – 7% thị phần) do PJICO, MIC, Bảo Minh, VNI, Bảo Long, BIC và BSH nắm giữ theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Gần 20 doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm gần 15% thị phần, trong đó có hãng bảo hiểm Liberty từng nổi đình đám một thời với bảo hiểm xe cơ giới. Thị phần của hãng bảo hiểm này tính đến hết quý I/2018, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm, là hơn 2%.

Bảo hiểm bán lẻ, cụ thể là bảo hiểm xe cơ giới dường như không phải là sân chơi của các doanh nghiệp bảo hiểm ngoại. AIG đã từ bỏ sân chơi này sau thời gian ngắn tuyên bố thay đổi chiến lược và trải nghiệm thực tế…

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, Bảo Việt đang khá “chắc tay” với hơn 25% thị phần bảo hiểm xe cơ giới của cả thị trường. Sự tăng trưởng của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường quý I/2018 chủ yếu tới từ sự tăng trưởng của Bảo Việt (tăng trưởng 40,8% so với cùng kỳ).

Thực tế, quý I/2018, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường quý I/2018 chỉ đạt 3.597 tỷ đồng, tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng quý I/2017 (ở mức 15,9%).

Sự ảm đạm của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới là hệ quả của sự sụt giảm từ thị trường ô tô Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), quý I/2018, toàn thị trường ô tô Việt Nam chỉ tiêu thụ 59.558 xe các loại, sụt giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, tình trạng cạnh phi kỹ thuật (hạ phí, mở rộng điều kiện, điều khoản…) vẫn diễn ra và một số doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu số 1 là lợi nhuận đứng ngoài cuộc và giảm từ từ độ nóng trong tăng trưởng phân khúc này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vốn chiếm thị phần bảo hiểm xe cơ giới lớn khác như PTI, PVI, PJICO, MIC, Bảo Minh đều tăng trưởng khá thấp, thậm chí có doanh nghiệp sụt giảm doanh thu từ nghiệp vụ này.

Có một thực tế được các doanh nghiệp nhìn nhận, tại Việt Nam, dù là nghiệp vụ có tốc độ tăng và doanh thu cao nhất, nhưng bảo hiểm xe cơ giới hiện chưa đem lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang lỗ từ nghiệp vụ này.

Quay trở lại câu chuyện thị phần bảo hiểm xe cơ giới, theo số liệu báo cáo sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm, Bảo Việt đang là đơn vị dẫn đầu thị trường về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới với tổng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới trong quý I/2018 là 928 tỷ đồng, đứng thứ 2 là Bảo hiểm PTI với doanh thu 496 tỷ đồng…

Dù thị trường có hơi chững lại so với thời gian trước, nhưng vì là sản phẩm dễ bán, doanh thu đem lại cao nên đây là phân khúc mà cuộc đua giành thị phần vẫn sẽ diễn ra khá gay gắt.

Vượt qua một số doanh nghiệp từng có thị phần tương đương, PTI đang là một tên tuổi đáng chú ý trong việc thúc đẩy doanh thu bảo hiểm từ nghiệp vụ này. Tính đến hết quý I, doanh thu bảo hiểm của PTI tăng trưởng khoảng 7% so với thị trường.

Một mặt PTI đầu tư mạnh vào quy trình giải quyết bồi thường cho khách hàng bằng việc mở hai trung tâm giám định bồi thường chuyên biệt về xe cơ giới tại Hà Nội và TP.HCM.

Hai trung tâm này ra đời để giúp giảm thiểu thời gian xử lý hồ sơ bồi thường cho khách hàng, đẩy nhanh quy trình thanh quyết toán với gara, qua đó, tăng mức độ hài lòng của khách hàng. Nhiều hoạt động xúc tiến bán hàng cũng đang được triển khai rầm rộ trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập…

“Chưa thể dừng lại và cuộc đua về thị phần bảo hiểm xe cơ giới sẽ khiến cho các doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt về vấn đề bồi thường”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Đây là nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất trong bốn nghiệp vụ bảo hiểm. Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường xe cơ giới tính đến hết quý I đang là 46,7%, cá biệt có doanh nghiệp nhỏ tỷ lệ bồi thường đã lên đến hơn 500%…

Hậu quả dù không dễ chịu, nhưng sẽ vẫn có doanh nghiệp chạy đua để chiếm lĩnh thị phần, vì đây vẫn là nghiệp vụ dễ đem lại tốc độ tăng trưởng cao, giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị phần lớn, từ đó có thêm nguồn lực để đi đầu tư.

Theo Ngọc Lan (ĐTCK)